Lịch sử Métro_Paris

Giai đoạn phôi thai

Công trường xây dựng Métro Paris

Từ năm 1845, chính quyền thành phố Paris và các công ty đường sắt bắt đầu dự định thành lập một hệ thống đường sắt trong nội đô thành phố. Tuy vậy ý tưởng của hai bên lại đối lập nhau. Chính quyền thành phố muốn xây dựng một hệ thống đường sắt chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân Paris với các bến đỗ gần nhau. Trong khi đó chính phủ Pháp và các công ty đường sắt muốn nối các tuyến ngoại ô bởi các đường xuyên thành phố và một đường vòng, đảm bảo sự lưu thông giữa các ga lớn của Paris khi đó (Saint-Lazare, Nord, Est, Bastille, Lyon, Austerlitz, InvalidesMontparnasse) và phục vụ nhu cầu đi lại ở vùng trung tâm thành phố[5]. Về mặt kỹ thuật, hai giải pháp đối lập được đưa ra khi đó là tàu đường sắt trên cao và tàu đường sắt ngầm. Phương án tàu đường sắt trên cao, giống các tuyến tàu điện đầu tiên của Thành phố New York, bị nhiều người phản đối vì cho rằng nó sẽ phá vỡ cảnh quan của thành phố. Trong khi đó dự án tàu điện ngầm lại gây lo ngại về sự an toàn và sức khoẻ cho hành khách. Trong khoảng thời gian từ 1856 đến 1890, nhiều dự án đã được lập ra nhưng đều không mang lại kết quả.

Trong khi Paris còn đang phân vân thì Luân ĐônNew York, vốn cũng gặp phải những vấn đề tương tự, đã nhanh chóng thiết lập hệ thống đường sắt nội thị bằng cách kéo dài hệ thống đường sắt đi vào thành phố, tiếp đó thiết lập một hệ thống đường sắt riêng với cỡ tàu khác. Luân Đôn khánh thành hệ thống đường sắt nối các ga chính của thành phố vào năm 1863 với các tàu chạy bằng hơi nước, và năm 1890 xây dựng xong tuyến đầu tiên của Tàu điện ngầm Luân Đôn, hệ thống tàu chạy ngầm bằng điện với khổ đường riêng. New York đưa vào hoạt động hệ thống đường sắt chạy bằng tàu hơi nước trong thành phố vào năm 1867 với các tàu chạy trên những tuyến cầu cạn xây bằng kim loại. Còn tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố khánh thành năm 1902. Năm 1896 đến lượt thành phố Budapest thành lập tuyến tàu điện chạy ngầm đầu tiên của hệ thống Földalatti.

Sự xuống cấp của điều kiện giao thông trong thành phố, những tiến bộ của các thủ đô nước ngoài và việc đăng cai Triển lãm thế giới 1900 đã buộc chính quyền Paris phải đẩy nhanh kế hoạch xây dựng hệ thống tàu điện ngầm theo ý đồ của chính mình. Chính phủ Pháp và các công ty đường sắt cuối cùng cũng phải nhượng bộ và bắt đầu hợp tác với Paris để triển khai dự án. Ngày 20 tháng 4 năm 1896, bản kế hoạch tổng thể của Fulgence BienvenüeEdmond Huet được thông qua. Sắc lệnh về việc thành lập hệ thống đường sắt đô thị (chemin de fer métropolitain) được công bố ngày 30 tháng 3 năm 1898, theo đó một hệ thống gồm 6 tuyến với 3 tuyến bổ sung sẽ được xây dựng. Công trình được khởi công ngày 4 tháng 10 năm 1898 theo bản thoả thuận được ký giữa Toà thị chính ParisCông ty đường sắt đô thị Paris (Compagnie du chemin de fer métropolitain de Paris - CMP), công ty tư nhân của nam tước người Bỉ Édouard Louis Joseph Empain. Theo hồ sơ kỹ thuật, hệ thống tàu điện ngầm Paris (Métro de Paris) sẽ nằm ngầm dưới đất, sử dụng các tàu chạy điện có khoảng cách trục (écartement) tiêu chuẩn và khổ đường (gabarit) 2,4 m, khác so với khổ đường của các tàu đường sắt thông thường. Métro Paris sẽ không phát triển mạng lưới vượt quá các cửa ô Paris. Các tiêu chuẩn khác của Métro Paris là độ dốc đường không được vượt quá 40mm/m, bán kính đoạn cong không được nhỏ hơn 75 m, độ dài bến dừng là 75 m, sau được mở rộng lên 90 m (cho tuyến 1 và tuyến 4) và 105 m.

Tuyến đường đầu tiên

Các đoàn tàu thế hệ Sprague-Thomson, thế hệ tàu điện ngầm thực sự đầu tiên của Paris

Kế hoạch xây dựng đầu tiên của Métro Paris bao gồm một tuyến vòng Étoile-Nation-Étoile và hai tuyến thẳng Bắc-Nam (Porte de Clignancourt-Porte d’Orléans), Đông-Tây (Đại lộ Gambetta - Porte Maillot).

Để xây dựng công trình, ba biện pháp kỹ thuật được sử dụng: Các phần đường hầm nằm gần mặt đất được thi công bằng cách đào thẳng từ mặt đường; với các phần nằm sâu, biện pháp dùng các khung chống di động (bouclier) đã tỏ ra ít hiệu quả do sự phức tạp của địa chất Paris; biện pháp cuối cùng, cổ điển nhất nhưng lại trở thành thông dụng, là sử dụng các hầm gỗ tương tự trong kỹ thuật mỏ. Tuyến đầu tiên của Métro Paris được xây trong thời gian kỷ lục, từ 30 tháng 3 năm 1898 đến 19 tháng 7 năm 1900.

Tuyến số 1, Porte de Vincennes - Porte Maillot được chính thức mở cửa ngày 19 tháng 7 năm 1900 để phục vụ cho các hoạt động của Thế vận hội mùa hè 1900 được tổ chức tại rừng Vincennes. Các cổng vào của bến đợi tuyến tàu điện ngầm đầu tiên này được Hector Guimard thiết kế theo phong cách Art nouveau. Trong giai đoạn đầu Métro Paris không được quảng cáo rộng rãi vì công ty CMP muốn lưu lượng khách tăng từ từ. Tuy vậy người dân Paris vẫn nhanh chóng bị cuốn hút bởi phương tiện giao thông mới mẻ và tiện lợi này. Métro Paris vì vậy phát triển nhanh chóng, chỉ trong 2 năm số toa của các đoàn tàu đã phải tăng từ 3 lên 8 toa trên các đoạn đông hành khách.

Ngày 31 tháng 1 năm 1904 một bản thoả thuận thứ hai được thành phố Paris ký với Công ty xe điện ngầm Bắc-Nam Paris (Société du chemin de fer électrique souterrain Nord-Sud de Paris - Nord-Sud), theo đó công ty này sẽ xây dựng tuyến tàu điện ngầm thứ hai nối Montmartre (nay là Notre-Dame de Lorette) với Porte de Versailles. Công trình này khởi công ngày 4 tháng 11 năm 1910. Hai công ty CMP và Nord-Sud tồn tại độc lập cho đến năm 1929 thì Nord-Sud hợp nhất vào CMP. Trước đó, tuy sử dụng kỹ thuật tương thích với nhau nhưng các tuyến của CMP và Nord-Sud được trang trí khác nhau kể cả về các đoàn tàu, bến đỗ, đôi khi hai điểm dừng khác nhau của hai tuyến lại cùng mang một tên, ví dụ bến Grenelle.

Tính cho đến năm 1913, Métro Paris đã có 10 tuyến, 8 của CMP và 2 của Nord-Sud (nay là tuyến 1213). Từ 55 triệu lượt khách năm 1901, Métro Paris đã chuyên chở 467 triệu lượt khách trong năm 1913. Ngay trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất mạng lưới vẫn tiếp tục được mở rộng.

Mở rộng ra ngoại thành

Sự phát triển của Métro Paris đến trước năm 1949

Năm 1929, chính quyền tỉnh Seine quyết định mở rộng mạng lưới Métro Paris ra vùng ngoại thành lân cận để phục vụ nhu cầu đi lại cho 2,5 triệu dân ngoại ô. Sau quyết định này 3 tuyến mới tuyến 9, 1011 được mở.

Năm 1949, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, kế hoạch của năm 1929 được tiếp tục bằng việc kéo dài 9 tuyến ra ngoại thành: tuyến 1 kéo ra đến Neuilly ở phía Tây và Vincennes ở phía Đông; tuyến 3 tới Levallois-Perret; tuyến 5 tới Pantin; tuyến 7 tới Ivry; tuyến 9 tới Boulogne-Billancourt; tuyến 11 tới Les Lilas và tuyến 12 đến Issy-les-Moulineaux.

Ngày 1 tháng 1 năm 1942, CMP hợp nhất với Công ty giao thông công cộng vùng đô thị Paris (Société des transports en commun de la région parisienne - STCRP) vốn khi đó quản lý các loại hình giao thông công cộng trên mặt đất. STCRP đến năm 1949 thì thuộc quyền quản lý của Công ty quản lý giao thông công cộng Paris (Régie autonome des transports parisiens - RATP) được thành lập bởi luật ra ngày 23 tháng 3 năm 1948. Hiện nay RATP vẫn là công ty quản lý Métro Paris cùng hệ thống xe buýt nội ô và một phần ngoại ô, thang máy Montmartre, 3 trên 4 tuyến xe điện của Paris, một phần tuyến AB của RER.

Sau năm 1949

Mở rộng tuyến 1 về hướng La Défense: MP89 trên cầu NeuillyTuyến 14 tại Châtelet

Giai đoạn từ 1952 đến 1972 là thời kỳ đen tối của Métro Paris khi các phương tiện giao thông cá nhân được người dân Paris ưa chuộng. Chính quyền cũng không còn coi trọng hệ thống tàu điện ngầm khiến trong suốt 20 năm mạng lưới hầu như không được đầu tư mở rộng. Thay đổi đáng chú ý của giai đoạn này chỉ là việc đưa vào sử dụng các tàu điện ngầm có khớp và tàu điện ngầm bánh hơi (MP53 và MP59). Từ năm 1962, tuyến A của RER, hệ thống đường sắt của vùng Île-de-France, bắt đầu đưa vào hoạt động. Đây là sự bổ sung cho Métro Paris trong việc phục vụ nhu cầu của cư dân ngoại thành.

Năm 1969, các đoàn tàu thế hệ mới MF67 bắt đầu thay thế cho các đoàn tàu Sprague lạc hậu. Đến năm 1983 thì Sprague bị loại bỏ hoàn toàn. Tuyến 3 cũng bắt đầu được trang bị các đoàn tàu phát động đồng thời (tất cả các toa đều có động cơ phát động) cho phép tăng tốc nhanh hơn. Kỹ thuật này sau đó đã bị loại bỏ. Từ năm 1978, các đoàn tàu thế hệ mới MF77 được tổ chức hợp lý hơn và cho phép phục vụ các tuyến kéo dài ra ngoại ô với vận tốc nhanh nhất. Từ năm 1969 đến năm 1973, việc soát vé thủ công bằng bấm vé dần được thay thế hoàn toàn bằng các cửa quay (tourniquet).

Năm 1967, tuyến 7 của Métro Paris được tách, lập thêm tuyến phụ 7bis. Đến năm 1971 tới lượt 3bis được tách ra từ tuyến 3. Một số tuyến cũ cũng tiếp tục được kéo dài từ năm 1967.

NămTuyếnĐoạn mở rộng
19713Gambetta — Galliéni
19738Charenton-Écoles — Créteil-Préfecture
197613Carrefour-Pleyel — Saint-Denis-Basilique
197613Porte de Vanves — Chatillon
19797Porte de la Villette — Fort d’Aubervilliers
198013Porte de Clichy — Gennevilliers
198110Porte d’Auteuil — Pont de Saint-Butt
19827Maison Blanche — Le Kremlin-Bicêtre
19855Église de Pantin — Bobigny-Pablo Picasso
19857Le Kremlin-Bicêtre — Villejuif-Louis Aragon
19877Fort d’Aubervilliers — La Courneuve
19921Pont de Neuilly — La Défense
199813Saint-Denis-Basilique — Saint-Denis-Université

Tuyến 14 hình thành

Phải đợi đến ngày 15 tháng 10 năm 1998, Métro Paris mới có thêm một tuyến mới hoàn toàn, tuyến 14. Tuyến đường này chạy từ Bibliothèque François Mitterrand qua Madeleine, Saint-Lazare và cuối cùng là Olympiades. Tuyến 14 là tuyến đầu tiên của Métro Paris được tự động hoá hoàn toàn, các đoàn tàu không có người lái, các cửa cũng đóng mở tự động và đảm bảo tối đa sự an toàn cho hành khách. Các bến đỗ trên tuyến 14 cho phép đón các đoàn tàu có 8 toa, tuy vậy các đoàn tàu vận hành hiện nay thường chỉ có 6 toa. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa RATP và công ty Alstom.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Métro_Paris http://www.20minutes.fr/paris/113413-20061009-ratp... http://www.capital.fr/a-la-une/actualites/15-perso... http://www.omnil.fr/IMG/pdf/transports_en_commun_e... http://www.orbival.fr/pdf/ongletgrandparis/communi... http://labs.paris.fr/commun/ogc/bmo/dbdl_delib.php... http://www.cre.ratp.fr/vie_entreprise/index.asp?ca... http://www.ratp.fr/ http://www.ratp.fr/plan-interactif/ http://www.stif.info/ http://www.amtuir.org/04_htu_metro_paris/cmp_1850_...